TOP 7 CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP HAY VÀ Ý NGHĨA NHẤT MÀ QUÁN SỐ TÂM ĐẮC

Đăng bởi: sale | Đăng lúc: 25/01/2021 11:11:39 | Lượt xem: 3171

TOP 7 CÂU CHUYỆN KHỞI NGHIỆP HAY VÀ Ý NGHĨA NHẤT MÀ QUÁN SỐ TÂM ĐẮC

Khởi nghiệp hiện nay là một chủ đề đang được rất nhiều bạn trẻ quan tâm. Khởi nghiệp được bắt nguồn từ những ý tưởng có tính đột phá và khác biệt trong nhiều lĩnh vực, nhiều hoạt động của đời sống xã hội,… Tuy nhiên, để khởi nghiệp thành công, mang lại những giá trị cho cuộc sống, không nhất thiết là phải khởi nghiệp bằng những ý tưởng quá lớn lao, quá cao xa, mà có thể khởi nghiệp từ những công việc rất gần gũi, rất thiết thực và phù hợp với những gì mà xã hội đang thiếu, đang đòi hỏi. Xuất phát từ thực tiễn này, nhiều bạn trẻ với sự năng động, niềm đam mê nghiên cứu và sức sáng tạo đã tạo lập thành công con đường khởi nghiệp cho riêng mình. Và hôm nay toplist xin gửi đến bạn đọc top các câu chuyện khởi nghiệp hay và ý nghĩa nhất, hy vọng sẽ giúp các bạn có một khởi đầu sự nghiệp vững vàng hơn. Cùng Quán Số tham khảo Top 7 câu chuyện dưới đây nhé!

Mục lục:

1. Đặng Lê Nguyên Vũ khỏi nghiệp như thế nào?

2. Câu chuyện khởi nghiệp thành công của Bầu Đức

3. Câu chuyện từ khỏi nghiệp thành tỷ phú của Phạm Nhật Vượng

4. Câu chuyện khởi nghiệp của 3 người bạn dám bỏ vùng an toàn để startup

5. Khởi Nghiệp Từ “Marketing 0 Đồng” Tới Quỹ Đầu Tư Triệu Đô

6. "Thiếu gia họ Đặng" và câu chuyện khởi nghiệp 5 triệu đồng

7. Chàng trai 97 khởi nghiệp thành công với trà sữa goky

1. Đặng Lê Nguyên Vũ khởi nghiệp như thế nào?

Chứng kiến cảnh cha bị bệnh nặng, chỉ cần 2 triệu đồng chữa trị mà vay mượn cả đại gia đình cũng không đủ, cậu con trai 16 tuổi - Đặng Lê Nguyên Vũ đã thề với lòng: “Một ngày nào đó mình sẽ thay đổi cuộc sống của cả đại gia đình này!”. Những năm 1990, thầy cô và các sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên không ai không biết đến Đặng Lê Nguyên Vũ, chàng sinh viên khoa Y với nhiều ước mơ và hoài bão vượt ra phạm vi đất nước. Nhận ra ngành Y không thể đáp ứng được ước mơ và tham vọng của mình, năm thứ ba đại học, anh quyết định nghỉ học và đón xe vào thành phố Hồ Chí Minh để tìm kiếm cơ hội. Ra đi với hành trang duy nhất là tên và địa chỉ của một người chú chưa từng biết mặt, anh tự hứa sẽ không trở về nhà cho đến khi sự nghiệp vững vàng.



Nhận được nhiều lời khuyên chân thành và bổ ích từ người chú, Đặng Lê Nguyên Vũ đồng ý trở lại trường vài ngày sau đó. Tuy vậy, trong anh vẫn luôn nung nấu ý tưởng kinh doanh. Là nước xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới nhưng hình ảnh cà phê của Việt Nam không hề được biết đến. Cà phê Buôn Ma Thuột là một trong những loại ngon nhất thế giới nhưng thực tế có được công nhận? Nhận thức như vậy, Đặng Lê Nguyên Vũ quyết định nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi. Anh muốn chế biến ra loại cà phê ngon nhất và xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Tham vọng lớn lao ấy thôi thúc chàng sinh viên Y đến cháy bỏng. Trình bày suy nghĩ với bạn bè để tìm sự chia sẻ, nhưng anh chỉ nhận được sự giễu cợt và cho là “thằng điên hạng nặng” với những ý tưởng vượt xa tầm với. Cả trường đại học chỉ vài ba người là chịu nói chuyện với anh.

Tuy nhiên, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn tìm được ba người cộng sự học cùng lớp có chung bầu nhiệt huyết, nhưng họ hứa chỉ giúp anh trong chặng khởi đầu chứ không theo con đường kinh doanh đó. Không ngần ngại, Đặng Lê Nguyên Vũ bắt tay thực hiện ý tưởng của mình. Anh cùng các bạn tranh thủ ngày chủ nhật, lặn lội tìm đến các thương gia cà phê nổi tiếng ở khắp các tỉnh thành năn nỉ, thuyết phục họ truyền nghề. Cứ vậy, anh tích lũy được vốn kiến thức sâu rộng về cà phê.

“Gã hoang tưởng” Đặng Lê Nguyên Vũ mà nhiều người đã gọi anh 4 năm về trước giờ đã là một doanh nhân trên trương trường với vị thế rất nhiều người mơ ước. Ước mơ cải thiện cuộc sống cho cả đại gia đình của cậu học sinh ngày xưa giờ đã thành hiện thực. Hoài bão lớn lao, vượt xa tầm vi mô của anh năm xưa cũng bắt đầu được thực hiện, đó chính là ước mơ được bay khắp thế giới, bay trên bầu trời và “bay” trong cả thương giới.

Năm 2002, nhận thấy đã đến lúc Trung Nguyên phải ra khỏi Việt Nam, bên cạnh việc tìm kiếm thị trường, Đặng Lê Nguyên Vũ đầu tư 3 triệu USD để hoàn chỉnh hệ thống bảng hiệu, khẳng định giá trị của thương hiệu bằng cách thuê luôn một hãng tư vấn đặt tại New Zealand, đồng thời để hoạt động kinh doanh nhượng quyền được chuyên nghiệp, nhất quán hơn và đảm bảo tính đồng nhất của thương hiệu. Trong năm 2002, quán Cà phê Trung Nguyên đầu tiên xuất hiện ở Tokyo. “Đây là một bước rất quan trọng. Nếu chúng tôi thành công ở Tokyo thì điều đó sẽ làm tăng tốc kế hoạch bành trướng của Trung Nguyên ra nước ngoài”.

Trên thực tế, bên cạnh những khó khăn về mặt bằng, tài chính, hình ảnh thì khó khăn lớn nhất mà Đặng Lê Nguyên Vũ phải đương đầu là Goliath cà phê Starbucks, một tập đoàn cà phê lớn nhất thế giới của Mỹ. Sự thành công của Trung Nguyên ở thị trường nội địa cũng giống như Starbucks ở Mỹ, ngoại trừ việc Trung Nguyên thống trị thị trường nội địa của mình chỉ trong 4 năm, trong khi Starbucks phải mất đến 15 năm. Tại Nhật, Starbucks đã có đến gần 400 cửa hàng trong tổng số hơn 6000 cửa hàng của nó trên khắp thế giới. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là đại lý nhượng quyền Trung Nguyên tại Nhật Bản lại ấn định giá mỗi tách cà phê Trung Nguyên cao hơn 50% so với Starbucks và cao hơn 25% so với các cà phê nội địa khác.

 

“Chúng tôi coi Tập đoàn Starbucks là một đối thủ đầy tiềm năng, nhưng chúng tôi không sợ phải đối mặt với họ. Chúng tôi tập trung làm cho Trung Nguyên trở thành một điển hình của Việt Nam trên thế giới, phản ánh được nền văn hóa của đất nước qua cách thiết kế và cung cách phục vụ” - anh nói.

Thành công của Trung Nguyên ở Nhật Bản đã thực sự giúp nó nhảy vọt. Đến nay, thương hiệu Trung Nguyên đã có mặt ở Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Trung Quốc và Cộng hòa Séc. Cà phê rang Trung Nguyên cũng có mặt trong siêu thị và các cửa tiệm ở Mỹ, Đức, Đông Âu, Pháp và Nga. Hiện Đặng Lê Nguyên Vũ đang triển khai các hợp đồng nhằm tìm kiếm thị phần cho Cà phê Trung Nguyên tại 15 nước như Đức, Úc, Canada, Đài Loan, Malaysia, Philippin…

Không chỉ tấn công thị trường quốc tế với mặt hàng cà phê rang, Đặng Lê Nguyên Vũ thực sự gây kinh ngạc cho các nhà doanh nghiệp khi anh cho tung ra sản phẩm cà phê hòa tan mang tên G7 vào tháng 11-2003 vừa qua. Tên gọi cà phê hòa tan G7 trong ý tưởng của anh là một cái tên dễ tiếp cận quốc tế nhưng không mang tính vọng ngoại mà mang sứ mạng chinh phục, chiếm lĩnh thị trường 7 nước phát triển. G7 chính thức đối đầu với các đại gia nước ngoài về cà phê hòa tan bằng “Ngày hội cà phê hòa tan G7” tại Dinh Thống Nhất. Cuộc thử sản phẩm đem đến kết quả khá thú vị: 89% người tham gia chọn cà phê hòa tan G7 là sản phẩm yêu thích, và chỉ có 11% chọn nhãn hiệu cà phê hòa tan Nescafe. Đây thật sự là một cuộc chiến, nhưng điều quan trọng hơn của Trung Nguyên không phải là kết quả cuộc thử mà là sự khơi dậy về ý chí quật cường, về lòng tự hào dân tộc khi chọn lựa và tiêu dùng sản phẩm thương hiệu Việt. “Tại sao lại không thắng những kẻ mạnh hơn ngay trên quê hương mình?”. Mục tiêu của anh là không chỉ chiếm lĩnh thị phần mà còn đánh bại các “đại gia” nước ngoài tại Việt Nam trước khi ra thế giới.

Quả thực chỉ mới ra mắt hơn 8 tháng nhưng sản phẩm G7 đã gây rất nhiều khó khăn cho các đối thủ. Giấc mơ theo đuổi toàn cầu của Đặng Lê Nguyên Vũ chỉ mới đang ở những bước đầu. “Tôi muốn có thương hiệu Trung Nguyên của Việt Nam nổi tiếng trên thế giới. Cà phê của chúng tôi ngon. Không có lý do gì chúng tôi không thể làm được điều đó” - thương gia trẻ này tuyên bố.

Đi nhiều, thấy nhiều mọi điều trên thế giới, Đặng Lê Nguyên Vũ cảm thấy tủi nhục trước cảnh hàng hóa Việt Nam bị coi thường. Nói đến Toyota, Sony, Hitachi người ta nghĩ ngay đến nước Nhật; nói IBM, Intel, Ford là biết Mỹ; Mercedes là nói đến Đức… Hình ảnh thương hiệu hàng hóa từ lúc nào đã trở thành hình ảnh đối thoại của một quốc gia. Không có thương hiệu, làm sao Việt Nam có thể hội nhập và đối thoại với thế giới? Vì vậy, anh quyết tâm đi tiên phong, xây dựng thành công thương hiệu Trung Nguyên trên trường quốc tế.

Việt Nam có rất nhiều mặt hàng được thế giới ưa chuộng, nhưng tại sao không có sản phẩm nào có thương hiệu? Đặng Lê Nguyên Vũ thấy nếu cứ cảnh “hồ tiêu trộn hạt đu đủ” xuất khẩu ra nước ngoài như đã thấy thì Việt Nam sẽ không thể có được hình ảnh tốt với quốc tế. Bởi giá trị cốt lõi của thương hiệu thực ra chính là uy tín. Anh quan niệm, hàng hóa phải là hình ảnh con người, là nét văn hóa của quốc gia chứ không chỉ đơn thuần là hàng hóa để bán.

Ngay từ đầu khi chọn logo cho Trung Nguyên, Đặng Lê Nguyên Vũ đã thể hiện hoài bão của mình: logo mũi tên là hình ảnh cách điệu của nhà rông Tây Nguyên - nơi khơi nguồn của cà phê Trung Nguyên, hình mũi tên hướng thẳng lên trời thể hiện ý chí chinh phục đỉnh cao, khát vọng vươn lên, phát triển vượt bậc. Ba vạch trắng trên logo là hình ảnh cách điệu của lối lên nhà sàn, thể hiện văn hóa của công ty luôn muốn duy trì bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết, là cam kết an toàn vệ sinh thực phẩm. Mỗi vạch trắng tượng trưng cho một yếu tố thiên, địa, nhân… Bảng hiệu của Trung Nguyên với sắc nâu là chính vì đó là màu của đất, của cà phê, của cội nguồn dân tộc. Tất cả đó là thương hiệu Trung Nguyên đậm chất văn hóa truyền thống Việt trên thương trường quốc tế.

Với những ý tưởng đó, anh muốn Trung Nguyên phải là nơi cung cấp những giá trị văn hóa, là môi trường “khơi nguồn sáng tạo”, nơi hướng con người đến những điều tích cực chứ không chỉ là nơi bán cà phê. Xây dựng hình ảnh Trung Nguyên mang đậm nét văn hóa dân tộc, từ ly tách, bàn ghế, màu sắc bảng hiệu đến đồng phục, cung cách phục vụ của nhân viên,… Đặng Lê Nguyên Vũ muốn rằng, khi Trung Nguyên đến quốc gia nào thì người dân bản địa ở đó có được cảm giác như đang nghỉ ngơi từ 10 - 15 phút trong một Việt Nam thu nhỏ, trước khi vào đất nước Việt Nam thật sự.

Đặng Lê Nguyên Vũ quan niệm: “Tôi nghĩ rằng mỗi chúng ta cần ý thức được giới hạn của cuộc sống để lựa chọn một lối sống. Theo tôi, có hai cách sống: một là sống theo ý mình, sống hưởng thụ; hai là sống có trách nhiệm. Tôi đã chọn cách thứ hai”. Anh là một trong những người đứng ra khởi xướng chương trình “Sáng tạo vì thương hiệu Việt” vào năm 2002, với mục đích kêu gọi doanh nghiệp ý thức xây dựng về thương hiệu Việt, kêu gọi người tiêu dùng ủng hộ chọn lựa hàng hóa Việt. Tiếp đến năm 2003, anh lại phát động chương trình “Xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam”. Nếu như chương trình trên là bước khởi đầu đánh động vào ý thức tiêu dùng hàng hóa Việt, thì chương trình tiếp theo là một bước cụ thể hơn về thương hiệu cho ngành nông sản vốn là thế mạnh của Việt Nam. Với các loại nông sản tiềm năng như gạo, hồ tiêu, cà phê, hạt điều, trái cây… nhưng Việt Nam luôn tồn tại một nghịch lý là càng được mùa thì sản phẩm nông nghiệp càng bị mất giá, người nông dân luôn luẩn quẩn với bài toán về đầu ra cho sản phẩm. Đặng Lê Nguyên Vũ muốn nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản Việt Nam tự tin vươn ra thị trường thế giới. Theo anh, xây dựng thương hiệu gắn với các địa danh, vị trí địa lý của từng vùng là một cách tốt nhất để vẽ bản đồ nông sản Việt Nam trên thế giới, góp thay đổi bộ mặt kinh tế của nước nhà.

“Nỗi nhục tụt hậu, thua kém không của riêng ai. Hơn nữa, trong thời đại này thì doanh nhân là chiến sĩ thời bình. Tôi muốn mình là một chiến sĩ thực thụ, chiến đấu trên thương trường vì thương hiệu Việt” - Đặng Lê Nguyên Vũ khẳng khái.

Có lẽ chính lý tưởng và ý chí mãnh liệt đó là yếu tố chính đã giúp anh thắng kiện Công ty Rice Field trong vụ tranh chấp quyền bảo hộ thương hiệu Cà phê Trung Nguyên kéo dài hơn 2 năm tại Mỹ. Việc một doanh nghiệp của Việt Nam có thể thắng kiện một công ty lớn của một quốc gia bá chủ về kinh tế là Mỹ ngay trên nước họ là một điều không tưởng! Nhưng Đặng Lê Nguyên Vũ đã buộc cả thế giới phải thay đổi suy nghĩ đó.

Người biết ước mơ - Hiện nay, Đặng Lê Nguyên Vũ không tiếp tục phát triển Trung Nguyên theo chiều rộng mà anh đang đầu tư chiều sâu cho các cơ sở nội địa để hoàn thiện hình ảnh, củng cố công cuộc kinh doanh, bảo vệ nó khỏi những đối thủ cạnh tranh mới. Anh không ngừng điều chỉnh hình ảnh thương hiệu, sản phẩm và cơ cấu tổ chức của Trung Nguyên để thích nghi với những thị trường mới mà anh dự định sẽ thâm nhập, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa dân tộc. Anh không chỉ hăng say lao vào công việc vì sự lớn mạnh của Trung Nguyên mà còn vì thương hiệu Việt, vì nhiều vấn đề của ngành nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.

“Thế giới đã từng biết đến rượu vang Pháp, cà phê Columbia, sữa tươi Hoa Kỳ… Chúng ta cũng có quyền mơ một giấc mơ rằng cả thế giới phải biết đến cà phê Buôn Ma Thuột, thanh long Bình Thuận, vải thiều Thanh Hà, sầu riêng Cái Mơn… Ở Trung Nguyên, chúng tôi không chỉ tập hợp những người biết bán cà phê hay sản xuất cà phê mà là tập hợp của những con người tâm huyết, biết chia sẻ với cộng đồng, với mong ước tự tin ghi dấu ấn riêng của mình vào sự thay đổi của dân tộc, của đất nước” Đặng Lê Nguyên Vũ nói. Chính sự sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm cộng với một chữ tâm đầy nhiệt huyết đã làm nên thành công cho chúng tôi. Hơn bất kỳ một tập thể, cộng đồng nào, Trung Nguyên khao khát chia sẻ tính sáng tạo với tất cả mọi người.

Đặng Lê Nguyên Vũ bật mí: “Chiến lược phát triển công ty của chúng tôi có 5 bước. Hiện tại chúng tôi đang hoàn thiện bước thứ 2. Bước đầu tiên là hình thành gây dựng thương hiệu, hoàn chỉnh khâu phân phối. Bước thứ hai là đưa chất văn hóa và sự đồng nhất vào sản phẩm, và vì bí mật kinh doanh cho phép tôi không nói, chỉ biết, bước cuối cùng là một Trung Nguyên toàn cầu”.

Anh luôn trăn trở về thế hệ sau mình: “Tôi biết trong cuộc sống vẫn có rất nhiều bạn trẻ mang mặc cảm của sự nghèo khó, của lòng tự ti, nhưng tiền bạc không phải là vốn mà điều quan trọng là phải có những ước mơ lớn lao. Hiện nay, có nhiều bạn trẻ mang trong lòng những ước mơ rất hạn hẹp về những giá trị vật chất mà thiếu đi “chất lửa” của một tuổi trẻ khát khao được cống hiến, được chia sẻ và tâm huyết với những thay đổi lớn lao của dân tộc, của đất nước - đó cũng là một phần lỗi không nhỏ ảnh hưởng của nền giáo dục hiện nay đang làm bào mòn đi tính sáng tạo trong suy nghĩ của họ”.

Với tất cả những gì đã và đang làm được, Đặng Lê Nguyên Vũ đã góp phần tiếp sức để những hạt cà phê thấm đẫm sự nhọc nhằn của người nông dân Việt Nam được chắp cánh xa hơn, chinh phục thị trường thế giới bằng hương vị đậm đà và mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc.

33 tuổi, Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạo ra một đế chế cà phê mà danh tiếng của nó vượt ra ngoài biên giới Việt Nam. Anh trở thành thần tượng trong suy nghĩ của giới trẻ với những hoài bão lớn lao, những ý tưởng táo bạo cùng sự thành công thần kỳ của mình. Đại diện cho giới doanh nhân trẻ cả nước, đầu tháng 8 năm nay, Đặng Lê Nguyên Vũ - Tổng Giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên đã sang Brunei nhận giải Nhà Doanh nghiệp trẻ xuất sắc nhất ASEAN năm 2004, giải thưởng do Hiệp hội các nhà Doanh nghiệp trẻ Asean tổ chức 5 năm một lần. Cùng với Trung Nguyên, anh được đánh giá là một “hiện tượng kinh tế” của Việt Nam cuối thế kỷ XX.

2. Câu chuyện khởi nghiệp thành công của Bầu Đức

Đức sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em. Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học bằng bữa cơm độn sắn, độn khoai. Cậu bé Đoàn Nguyên Đức ngày ngày dắt trâu ra đồng, thả ước mơ vào bãi ngô xanh và cánh diều no gió. Lúc bấy giờ Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát ra khỏi cuộc sống bần hàn. 10 năm dắt trâu ra đồng, kéo cày, xẻ đất, cái nắng cái gió làm cháy tóc sạm da càng khiến cho Đoàn Nguyên Đức nuôi quyết tâm thoát nghèo. Lớp 12, năm 1982, cậu khăn gói quả mướp vào TP HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những tham vọng từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không mở ra trước mắt.

20 năm liền, Bầu Đức làm việc miệt mài, không có ngày nghỉ. Ông say mê kiếm tiền đến quên cả bản thân như để trả món nợ cuộc đời, trả nợ cho tuổi thơ nghèo khó làm thợ kéo cày tại quê nhà. Ông có cảm giác như mình có duyên nợ và nét gì đó rất tương đồng với Bill Gates – tỷ phú thành công không bằng con đường học vấn. Bầu Đức nói: "Và tôi hiểu rằng trường đại học của tôi chính là đường đời”.

Vẫn là hình ảnh cây cau cây dừa, nhưng mỗi lần về thăm quê Bầu Đức lại thấy cảm giác khó tả và cay cay nơi sống mũi. Những kỷ niệm buồn vui xa xưa lại ùa về. “Lúc ấy, tôi lại thấy mình ngày xưa, đang dắt trâu ra đồng chuẩn bị cày trên thửa ruộng sắp vào mùa”, bầu Đức nói 40 năm qua đi, giờ ông Đức đã có trong tay tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai với giá trị ròng lên tới vài chục nghìn tỷ đồng, một câu lạc bộ bóng đá lừng danh với những chân sút nổi tiếng được mua về. Thế nhưng bầu Đức vẫn không cho phép mình được dừng lại. Ông vẫn làm việc ngày đêm không ngừng nghỉ. Làm việc như thể để trả nợ cuộc đời và một điều lớn lao hơn – ông muốn thực hiện khát vọng của một doanh nhân Việt. Ông muốn làm điều mà nhiều doanh nhân thế giới đang làm.

Và khát vọng cuối cùng của bầu Đức là có tên trong danh sách tỷ phú thế giới chứ không còn đơn thuần là người giàu VN. “Tất nhiên, ước mơ chỉ là ước mơ, tôi tin rằng, tất cả những doanh nhân tâm huyết làm giàu đều mong muốn và phấn đấu vì điều này. Đây không còn là danh dự cá nhân mà còn là niềm tự hào dân tộc”, bầu Đức nói.

Ở cái tuổi ngoại tứ tuần, sự nghiệp đã đạt độ chín, tiền bạc cũng không còn là vấn đề bận tâm, bầu Đức đang dành nhiều thời gian hơn để thực hiện khát vọng của mình. Năm 2008, lần đầu tiên, cổ phiếu của Hoàng Anh Gia Lai được niêm yết trên sàn chứng khoán. Với trên 55% số cổ phiếu sở hữu, bầu Đức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt 2008 do VnExpress.net bình chọn.

Bất chấp khủng hoảng, suy thoái, dưới bàn tay chèo lái của Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai vẫn đạt kết quả khá ấn tượng với lợi nhuận 1.700 tỷ đồng năm 2009. Bầu Đức chia sẻ, năm 2008 khi nhìn thấy bức tranh ảm đạm và âm u của nền kinh tế, Hoàng Anh Gia Lai chỉ dám đặt ra mục tiêu lợi nhuận cho năm 2009 ở con số khiêm tốn 1.150 tỷ đồng. Thế nhưng khi lao vào cuộc chiến, ông nhận thấy có rất nhiều cơ hội và có nhiều ngách nhỏ để ông len vào và đạt thành công. “Kết quả thật ấn tượng, chúng tôi đã làm được và đạt tới con số 1.700 tỷ đồng lợi nhuận”, ông Đức chia sẻ.

Ông cho hay trong cuộc đời kinh doanh của mình chưa khi nào đối mặt với khó khăn như năm 2008 và 2009. Thị trường tiền tệ 2008 quá tồi tệ, năm 2009 chưa thoát khỏi khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp rơi vào tình cảnh nhìn đâu cũng thấy khó. Bức tranh ảm đạm bao trùm kinh tế của cả thế giới. Bầu Đức rơi vào trạng thái bi quan thực sự, và có lúc ông tính chuyện buông xuôi. Ấy là vào tháng 7/2008, khi chứng kiến cảnh hàng loạt tập đoàn kinh tế lớn của thế giới tuyên bố phá sản. Cứ mỗi sáng mở mắt, đã thấy có 2 doanh nghiệp của Mỹ tuyên bố phá sản hoặc có đơn xin bảo hộ, ông lại thấy hoang mang và cảm giác, khủng hoảng như đang đến sát mình.

Tại VN, doanh nghiệp cũng rơi vào cảnh điêu đứng hàng loạt. Thị trường chứng khoán tụt dốc, chỉ số VN-index dò dẫm tìm đáy, bất động sản đóng băng…, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh càng kinh doanh càng lỗ. Bầu Đức hiểu rằng, trong bối cảnh như vậy, người tài giỏi lắm cũng không tránh khỏi trạng thái hoang mang và ông đặt Hoàng Anh Gia Lai vào tình trạng khẩn cấp với nhiều kịch bản được đưa ra. Các kế hoạch kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận liên tục được điều chỉnh. Và nhờ những quyết sách đúng, kịp thời nên Hoàng Anh Gia Lai là một trong số những doanh nghiệp sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và giữ vững được hoạt động kinh doanh của mình.

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2010, Hoàng Anh Gia Lai dự kiến đạt mức tổng lợi nhuận trước thuế từ 2.500 đến 3.000 tỷ đồng. Công ty đang đẩy nhanh triển khai nhiều dự án, chẳng hạn Dự án Khu chung cư An Tiến (Nhà Bè, TP HCM), Riverview, Phú Hoàng Anh, đường Nguyễn Hữu Thọ, TP HCM và nhiều dự án khác ở Đà Nẵng, Đăk Lăk và Gia Lai… Hiện tại thì bầu Đức đã là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam, với tài sản ước tính lên tới hơn 11 nghìn tỷ đồng. Để có được thành công như ngày hôm nay chắc chắn không chỉ đơn giản chỉ là lý do như bầu Đức chia sẻ “thi rớt đại học”. Bên cạnh đó là sự nỗ lực trong suốt một chặng đường dài, cùng với đó là tầm nhìn cũng như tư duy nhạy bén của ông.

3. Hành trình từ khởi nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Nếu bạn đã sẵn ở vạch đích thì đó là sự may mắn, ngoài ra, không có gì hết, bạn cần nỗ lực và chiến đấu mỗi ngày. Điều đó thực sự đúng và đối với Phạm Nhật Vượng, đó có thể là điều mà ông luôn tâm niệm trong cuộc đời. Ông Phạm Nhật Vượng sinh tháng 8/1968 trong một gia đình nghèo cùng với 3 người anh em nữa. Cha ông từng là sỹ quan phòng không miền Bắc còn mẹ bán hàng rong. Phạm Nhật Vượng được xem là vị tỷ phú đô la Mỹ đầu tiên trên sàn chứng khoán Việt Nam từ ngày 7 tháng 3 năm 2011 với giá trị tổng tài sản lên đến khoảng 21.200 tỷ đồng Việt Nam tương đương 1 tỷ đô la Mỹ tại thời điểm đó.

Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes vinh danh lần đầu vào năm 2013 ở vị trí 974 thế giới với tổng tài sản 1,5 tỷ đô la Mỹ, cho đến tháng 3 năm 2014 là 1,6 tỷ USD. Ông cũng là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú thế giới của Forbes, đồng thời có trong top 20 gương mặt mới nổi bật của Forbes năm 2013.

Tuy nhiên, để đạt được thành công như hôm nay, người giàu nhất Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, các công việc khác nhau.Theo đó, năm 1987, nhờ thành tích xuất sắc về toán học, ông Vượng đã giành được một suất học bổng du học tại Matxcơva. Tại đây, ông học về chuyên ngành kinh tế và địa chất ở Học viện địa chất Matxcơva.

Ông khởi nghiệp với việc mở một cửa hàng ăn tại nhà số 5, cao tốc Aminevskoe, nơi có nhiều người Việt sinh sống vào những năm 1990. Sau khi kết hôn, ông chuyển tới thành phố Kharkov, tiếp tục vay 10.000 USD và đến Kiev, mở một cửa hàng ăn khác lấy tên Việt Nam Thăng Long. Đến ngày 8/8/1993, ông lập thương hiệu Mivina và bắt đầu sản xuất mỳ ăn liền sau khi vay 10.000 USD từ những người bạn Việt Nam và tiếp tục vay Ngân hàng châu Âu để mở rộng sản xuất sang các sản phẩm khác như rau thơm khô đóng gói, bột khoai tây, soup,… Sự xuất hiện của mỳ “Mivina” vào năm 1995 rất đúng thời điểm nên nhanh chóng trở nên phổ biến ở đất nước Ukraine.

Chỉ trong vòng một năm, Phạm Nhật Vượng đã bán được 1 triệu gói mỳ. Đến năm 2004, mức tiêu thụ mỳ Mivina ở Ukraine đạt mức cao kỷ lục, 97% người tiêu dùng sử dụng loại sản phẩm này. Thương hiệu Mivina sau đó trở thành tên gọi chung cho tất cả đồ ăn nhanh ở Ukraine. Năm 2010, tập đoàn Nestle của Thụy Sỹ đã chi 150 triệu USD để mua lại công ty Technocom – một công ty hàng đầu trong lĩnh vực đồ ăn nhanh của Ukraine do ông Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993.

Thời điểm này, Technocom có hai nhà máy ở Kharkov với doanh thu lên tới 100 triệu USD/năm. Technocom có 1.900 nhân viên, sản phẩm của công ty này được xuất sang 20 quốc gia, trong đó có Nga, các nước Baltic, Đức, Hungary, Israel, Ba Lan và Romania. Những năm 1997 – 1998, ông Vượng chia sẻ chỉ nghĩ kiếm được 2 triệu USD sẽ ngừng kinh doanh về hưu, nhưng không dừng ở đó, ông quyết định về nước làm ăn.

Năm 2000, song song với việc điều hành công việc kinh doanh ở Ukraine, ông Vượng mở 2 công ty tại Việt Nam. Ông bắt đầu thu lợi nhuận từ các doanh nghiệp Ukraine đầu tư bất động sản ở Việt Nam sau khi thành lập Vinpearl năm 2000 và Vingroup vào năm 2002. Năm 2007, Vingroup niêm yết trên sàn chứng khoán và hiện là một trong 5 công ty có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Theo đánh giá của tờ Forbes, tài sản của ông vào tháng 8/2015 đạt 1,65 tỷ USD, số vốn hóa công ty Vingroup đạt 3 tỷ USD. Ông trở thành tỷ phú USD đầu tiên ở Việt Nam và liên tục nằm trong danh sách các tỷ phú do Forbes bình chọn. Hiện nay, ông Phạm Nhật Vượng đang đầu tư vào các dự án giáo dục, làm từ thiện, xây dựng các tổ hợp công viên như Công viên trung tâm ở New York, xây dựng các tòa nhà chọc trời, khu du lịch trên đảo Phú Quốc, xây dựng 100 siêu thị và hàng 1000 cửa hàng, dự án e-commerce, đầu tư trong nông nghiệp, thực phẩm sạch… Và mỗi khi kinh doanh trong một lĩnh vực mới, ông cũng như Vingroup như thêm một lần khởi nghiệp, và đó chính là lý do tại sao ngay trên trang chủ của website bạn có thể thấy: "Vingroup – mãi mãi tinh thần Khởi nghiệp".

Tổng kết lại, có thế nói rằng, ông Phạm Nhật Vượng hay bất kì những nhà tỷ phú nào khác đều sở hữu một tinh thần tuyệt vời trong công việc mà chúng ta có thể học hỏi.

4. Câu chuyện khởi nghiệp của 3 người bạn dám bỏ vùng an toàn để startup

Những người bạn 8x quyết định khởi nghiệp lĩnh vực F&B khi đang có công việc hấp dẫn, lương cao vì không muốn bỏ lỡ giấc mơ của cuộc đời. Cách đây không lâu, Trương Thoại Yến nộp đơn xin thôi việc vị trí quản lý marketing và truyền thông tại một khách sạn năm sao lâu đời ở Sài Gòn. Cùng lúc, nhiều lời mời hấp dẫn đến với cô. Có kinh nghiệm tại các tập đoàn thiết kế, xây dựng và quản lý khu nghỉ dưỡng cao cấp, những năm qua Yến liên tục được săn đón với vị trí quản lý và mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, cô đã lựa chọn con đường mới.

Và Yến gặp người bạn thân là Lai Hồng Lĩnh. Thời điểm đó, Lĩnh và người anh họ Nguyễn Thế Hiếu đang cùng đầu tư vào một dự án thương mại nhưng gặp một số trục trặc và loay hoay chưa có lối đi mới. Xuất phát từ tình cảm bạn bè, Yến muốn giúp Lĩnh giải quyết những khó khăn trước mắt. Cô đưa ra mô hình khác, chuyển hẳn sang lĩnh vực F&B. Lĩnh và Hiếu ngay lập tức nhìn thấy tiềm năng của dự án. Càng thảo luận, đi sâu, mô hình càng rõ ràng trước mắt. Sau hàng giờ, hàng tháng nghiên cứu, Yến càng thấy mình ở trong đó. Sau thời gian đắn đo, cô gái sinh năm 1989 quyết định tiến một bước mạo hiểm, khởi nghiệp cùng hai người bạn với vai trò đồng sáng lập.

Yến không phải người duy nhất đưa ra quyết định khó khăn và mạo hiểm trong cuộc đời, khi đã thiết lập được một vùng an toàn cho sự nghiệp và con đường thăng tiến của bản thân. Khi gặp Yến, Hiếu cũng quyết định tiến vào một cuộc chơi mới, rẽ ngoặt sự nghiệp. Anh từ bỏ vị trí quản lý tại một tập đoàn nhà nước với mức lương mấy nghìn USD mỗi tháng. Ban đầu, Hiếu dự định sẽ làm song song hai công việc. Đến thời điểm cảm thấy muốn bứt phá và tự tin vào lựa chọn của mình, anh nộp đơn xin nghỉ việc trước bao hoài nghi và can ngăn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp.

“Hầu như 10 người thì đúng 10 người không ủng hộ”, anh nhớ lại. Hơn 10 năm gắn bó với một môi trường, Hiếu thấy con đường của mình quá thuận lợi, không nhiều khó khăn, tài chính ổn định, tương lai tươi sáng. Nhưng bên trong những mặt biển êm thì luôn ẩn chứa những con sóng ngầm. Người đàn ông sinh năm 1983 khao khát có một cái gì đó riêng cho bản thân, do mình gầy dựng và phát triển. Hiếu có liều lĩnh nhưng không dại khờ, anh có lý lẽ của riêng mình.

Lĩnh lại là một trường hợp khác. Từng là á khoa đầu vào ngành Quản trị kinh doanh, Đại học Kinh tế - Luật TP.HCM, sự thông minh và nhanh nhạy của anh chưa được phát huy tối đa trong công việc kinh doanh của gia đình tại khu đô thị Đại học Quốc gia ở Thủ Đức. Có trong tay tấm bằng thạc sĩ, Lĩnh vẫn thường xuyên đứng trước những hoài nghi của mọi người xung quanh.

“Công việc của gia đình rất nhiều nhưng dù có cố gắng thế nào cũng bị nói không phải của mình mà là của bố mẹ mình. Chúng ta luôn bảo là sống không nên để ý người khác nói gì về mình nhưng thực tế bạn không thể phớt lờ”, Lĩnh chia sẻ. Anh thừa nhận bản thân từng ngạo mạn bởi được cuộc đời quá ưu ái. Nhưng thời gian trôi qua, đôi lúc anh cảm nhận những khoảng trống và nỗi buồn vây lấy. Lĩnh bắt đầu biết mình muốn có một cái gì đó của riêng mình để khẳng định bản thân và chứng minh cho mọi người thấy anh hoàn toàn có thể tự thân đứng vững trên đôi chân của mình.

Ba con người đã gặp nhau ở một ý tưởng bứt phá trong kinh doanh và trên hết là cho cuộc đời mình. Yến nói mọi thứ giống như một cơn gió tự động cuốn đi vào thời điểm cô thấy ý tưởng đưa ra có thể giúp hai người bạn thành công, phù hợp với điều kiện tài chính cùng tất cả phần thô đang có cũng như khả năng thực hiện. Nhưng Yến không ngờ bản thân lại dám từ bỏ công việc đang rất tốt của mình.

“Tình trạng của tôi lúc đó là sống trong cảnh lương cao, mọi thứ rất tốt, mua sắm thả ga nhưng lại cảm thấy không thoải mái. Mỗi ngày khi về đến nhà đều cảm thấy nguồn năng lượng cứ bị ùn ứ và không thể giải tỏa. Tôi cảm thấy mình già đi và muốn có gì đó bứt phá”. Nói là vậy song không dễ từ bỏ vị trí an toàn mà nhiều người khao khát. Tuy nhiên, khi ngồi cùng nhau, Yến, Hiếu và Lĩnh từ lúc nào đã cùng xây dựng một giấc mơ. Cho đến một thời điểm, họ biết mọi thứ phù du trên đời đều không còn quan trọng nữa, ngoài giấc mơ của chính mình.

Chọn lĩnh vực F&B với mức độ cạnh tranh và tỷ lệ đào thải cao, bộ ba 8x đối diện với nhiều thách thức. Việc này đòi hỏi phải có nguồn vốn mạnh nhưng để đạt điểm hòa vốn thì cần thời gian. “Trong ngành này, nếu thành công thì ít nhất một năm mới hòa vốn, còn chậm thì mất hai năm, thậm chí năm năm hoặc mười năm”, Yến cho biết.

Họ lựa chọn thị trường ngách trong khi người tiêu dùng lại có vô vàn lựa chọn. Lấy cảm hứng từ mô hình Speakeasy (địa điểm giải trí bí mật) vào những thập niên đầu của thế kỷ trước ở Mỹ, họ biến tấu không gian nằm trên một con hẻm nhỏ ở đường Pasteur, quận 1 thành nhà hàng theo kiểu lounge pha trộn nét cổ điển Anh với trường phái hiện đại của Mỹ. Trong khắp không gian, hình ảnh về những giấc mơ bao trùm bằng những câu từ truyền cảm hứng và biểu tượng sự hình thành của mặt trăng cho thấy quá trình dần hiện thực hóa của những giấc mơ.

Lấy tên tiếng Anh với ý nghĩa “không gian nhỏ cho giấc mơ lớn”, những người sáng lập muốn truyền cảm hứng và câu chuyện của mình cho những ai đã mơ, đang mơ và luôn mong muốn theo đuổi những giấc mơ của mình. Không chỉ chú trọng đồ ăn và thức uống phải đạt chuẩn, phong cách phục vụ chuyên nghiệp, họ còn muốn đánh vào cảm xúc và những khao khát âm ỉ luôn tồn tại trong mỗi con người. Chính câu chuyện của mỗi nhà sáng lập là minh chứng cho việc dám theo đuổi và nỗ lực tận cùng vì giấc mơ đó.

Sau gần 4 tháng chính thức ra mắt, họ đã có một lượng khách hàng thân quen nhất định. Nhưng việc cần làm phía trước vẫn còn rất nhiều. Cả ba nhà đồng sáng lập điều hiểu để tồn tại giữa thị trường khốc liệt này không hề đơn giản vì lợi thế cạnh tranh có thể trở nên lỗi thời theo thời gian. Điều mà họ tự tin nhất chính là nhiệt huyết và ăn ý trong đội ngũ.

“Chúng tôi là bộ ba hoàn hảo”, Yến hóm hỉnh nói. Cô giải thích ba người có tính cách, sở trường, nền tảng, kiến thức và ngành nghề khác nhau nên có thể bổ khuyết cho nhau. Hiếu có nhiều năm luân chuyển vị trí ở công ty cũ, mạnh về kế toán - tài chính - nhân sự nên đảm trách vị trí CEO. Yến sôi nổi, hoạt bát, táo bạo và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng - khách sạn là người phát triển ý tưởng cho dự án. Trong khi đó, Lĩnh luôn nhiệt huyết bên cạnh hỗ trợ, ủng hộ mọi hoạt động khác dù công việc ở gia đình luôn bận rộn.

“Tôi nghĩ rằng khi làm bất cứ công việc gì cũng cần có sự bổ sung mới tạo thành cộng sự hoàn hảo, nếu quá giống nhau thì có thể sẽ tan hoang sớm”, Yến lý giải.

Chỉ trong nửa năm, cuộc sống của ba con người này đã thay đổi theo những cách khác nhau. Hiếu thường đau đầu với những bài toán tài chính liên quan đến tồn vong của dự án như bất kỳ startup nào. Lĩnh thường xuyên di chuyển giữa quận 1 và Thủ Đức với khoảng cách gần 20 km. Còn Yến không thể chi tiêu thoải mái như ngày xưa mà phải tính toán từng khoản và liên tục tìm kiếm cách thức tiếp cận nhiều khách hàng hơn. Bước khỏi vùng an toàn, ai trong số họ cũng đứng trước những thay đổi khó khăn trong cuộc sống. Nhưng đó là điều mà cả ba đã lường trước. Họ chưa một lần hoài nghi hay quay đầu nhìn lại vì biết rằng nếu không hành động, sẽ chẳng có giấc mơ nào thành hiện thực.

5. Khởi Nghiệp Từ “Marketing 0 Đồng” Tới Quỹ Đầu Tư Triệu Đô

Phạm Anh Cường (Cường Steward) đang nỗ lực thực hiện khát vọng nâng bước và giữ chân những start-up thuần Việt. Là người tiên phong sáng lập một trong những vườm ươm khởi nghiệp tư nhân “made in Vietnam” đầu tiên, Phạm Anh Cường (Cường Steward) đang nỗ lực thực hiện khát vọng nâng bước và giữ chân những start-up thuần Việt.

Cường Steward sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, nhưng những gì Cường có được hôm nay hoàn toàn là nỗ lực của bản thân. “Từ lúc khởi nghiệp, tôi chưa xin của bố mẹ một đồng nào”, Cường kể. Năm thứ ba đại học, Phạm Anh Cường là một trong những sinh viên xuất sắc của Đại học Ngoại thương giành suất học bổng tại Nhật Bản. Năm tháng học tập tại đất nước mặt trời mọc, anh “trót yêu” hoa giấy nghệ thuật Kamibana và quyết định khởi nghiệp cùng 6 cộng sự ngay sau khi về nước. Tiếc là do sai hướng phát triển và thiếu kỹ năng lãnh đạo, dự án này thất bại sau 1 năm hoạt động. Tạm gác lại giấc mơ khởi nghiệp, Cường bắt đầu hành trình đi làm thuê từ TP.HCM đến Hà Nội. Anh làm qua nhiều vị trí, từ nhân viên xuất nhập khẩu, ngân hàng, trưởng nhóm quản lý thị trường ASEAN trong một tập đoàn công nghệ, đến giám đốc một công ty bất động sản khá lớn.

Cường vẫn luôn ghi nhớ bước ngoặt trong sự nghiệp của mình, đó là sau 2 tháng thử việc ở vị trí trưởng phòng, anh được đề bạt vào ghế giám đốc ở tuổi 25. “Mỗi khi gặp khó khăn, ký ức ấy giúp tôi có thêm niềm tin vào bản thân”, Cường nói. Nhưng chỉ sau đó 1 năm, anh quyết định nghỉ việc để thành lập BestB, khôi phục dự án hoa giấy với tên gọi mới Flower Farm. “Tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy, Flower Farm là đứa con tôi ươm và sẽ trở thành start-up tiêu biểu”, chàng doanh nhân trẻ tự tin.Để tạo xu hướng yêu thích sản phẩm này, Cường tìm tòi và mở những “Lớp học 10.000 đồng” dạy các bạn học sinh, sinh viên gấp hoa giấy. Anh bật mí, 10.000 đồng này đủ tiền thuê địa điểm, tiền nguyên liệu, trong khi đó, sự ấn tượng của khóa học khiến các bạn học sinh, sinh viên truyền tai nhau và trở thành xu hướng, giúp Flower Farm tiếp cận các kênh phân phối. Đến nay, Flower Farm là một trong những dự án có doanh thu hiệu quả nhất trong BestB, tạo nhiều việc làm cho học viên các trường dạy nghề. Không những thế, Cường còn tiếp tục xây dựng Flower Farm thành kênh thương mại điện tử bán hoa tươi từ shop tới người tiêu dùng thông qua app. Với những thành tựu đó, Flower Farm lọt top 25 start-up Việt tiêu biểu năm 2017, qua đó phần nào chứng minh năng lực của Cường.

Đến nay, “hồ sơ” của BestB đã tích lũy được kha khá start-up tiềm năng như trang thương mại điện tử Lovely Life; nền tảng kết nối nhà nghỉ - khách sạn - du lịch ManMo; nền tảng kết nối logistics Shipcucnhanh; nền tảng kết nối và tuyển dụng nhân sự Vjobs...

Từ “Marketing 0 Đồng”…

Ở tuổi 30, những gì mà Cường Steward và BestB làm được quả thực không đơn giản. Cười tự tin, chàng doanh nhân 8x bộc bạch: “Mọi người cứ nghĩ đằng sau vườm ươm có thế lực rất mạnh về tài chính, nhưng sự thật là khi BestB ra đời, trong tay tôi không có gì cả”.“Hạnh phúc là giúp đỡ nhiều người, thành công là nâng đỡ nhiều người. Đầu tư và ươm tạo cho khởi nghiệp là sứ mệnh của tôi”.

…Đến Quỹ Đầu Tư 30 Tỷ Đồng

Cởi mở, chân thành, nhưng Cường Steward không thích nói nhiều về mình. Trong cuộc trò chuyện, anh hay hướng câu trả lời về BestB và những cộng sự. Anh tự hào kể về Nguyễn Thu Phương - cô sinh viên năm thứ ba Đại học Kinh doanh và Công nghệ đang là trưởng nhóm vận hành 2 dự án khởi nghiệp là Flower Farm (được Cường chuyển giao) và Lovely Life - dự án do Phương sáng lập. “Ở BestB, tôi chỉ là người truyền cảm hứng”, Cường khiêm tốn nói.Sở dĩ Cường chọn cách lãnh đạo này, bởi đó là những giá trị anh học được sau những năm tháng sống tại Nhật Bản. “Nhắc đến Apple, người ta nghĩ tới Steve Jobs, Tim Cook; nhắc tới Facebook, người ta nghĩ tới Mark Zuckerberg…, nhưng Top 10 của Nhật thì không như vậy. Tôi thực tập ở đó, họ không giới thiệu tên mình, mà chỉ nói: “Tôi là người Honda”. Người Nhật xác định sứ mệnh của họ là tạo nên giá trị quốc gia, làm việc không phải cho ông chủ mà làm việc vì quốc gia”, Cường chia sẻ.

Học tập và thấm những giá trị đó, Cường Steward chọn cách xây dựng BestB với mục tiêu trở nên trường tồn. “Tôi tin rằng, sứ mệnh của BestB là truyền cảm hứng để tạo ra thế hệ doanh nghiệp mới luôn làm hết mình để cống hiến”, Cường nói. Anh cũng tâm sự, đã có nhiều quỹ đặt “đề bài” muốn BestB ươm trước, sau đó đầu tư vào dự án nào có tiềm năng, nhưng anh không muốn là ở thế bị “săn”. “Các dự án khởi nghiệp tôi ươm đều là “Made in Vietnam”, nhưng khi quỹ ngoại rót vốn lại thường kèm theo điều kiện phải đưa thương hiệu đó về nước họ thì mới giải ngân và công ty ở Việt Nam trở thành chi nhánh, mà tôi thì không muốn như vậy”, Cường nói. Đó cũng là nguyên nhân khiến Cường Steward quyết định kêu gọi vốn từ một số doanh nghiệp và đã “khai sinh” thành công Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo BestB Capital với số vốn 30 tỷ đồng cuối năm 2018. 5 lĩnh vực mà BestB Capital sẽ tập trung tìm kiếm ươm tạo là fintech (công nghệ tài chính), agritech (công nghệ nông nghiệp) , edutech (công nghệ giáo dục), Medtech (công nghệ y tế), doanh nghiệp nhỏ và vừa có tiềm năng phát triển chuỗi, xuất khẩu.

6. "Thiếu gia họ Đặng" và câu chuyện khởi nghiệp 5 triệu đồng

 

Khi 18 tuổi, thiếu gia Đặng Hồng Anh, đã tự mở một cửa hàng bánh canh với số vốn ban đầu vỏn vẹn 5 triệu đồng, tự mình thực hiện công việc của cả ông chủ và nhân viên, như bưng bê đồ ăn cho khách. Những tưởng sinh ra trong một gia đình giàu có thì chỉ hưởng thụ, thế nhưng "Thiếu gia họ Đặng" Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, đã kể lại câu chuyện khởi nghiệp 5 triệu đồng bằng việc bán bánh canh, cây kiểng, sắt thép. Ông Đặng Hồng Anh sinh ngày 10/3/1980 và trưởng thành trong thời điểm sự nghiệp kinh doanh rực rỡ của ông Đặng Văn Thành được biết đến là một trong những đại gia ngân hàng hàng đầu Việt Nam (1996-2011) và một công ty gia đình về mía đường, đó là Tập đoàn Thành Thành Công.

Thế nhưng, "thiếu gia họ Đặng" của gia đình ông Đặng Văn Thành đã phải bươn trải để tự tích luỹ kinh nghiệm cho mình. Không ít lần phải nếm trái đắng. Khi 18 tuổi, thiếu gia Đặng Hồng Anh, đã tự mở một cửa hàng bánh canh với số vốn ban đầu vỏn vẹn 5 triệu đồng, tự mình thực hiện công việc của cả ông chủ và nhân viên, như bưng bê đồ ăn cho khách. "Tô bánh canh có giá 6 nghìn, 8 nghìn, 12 nghìn, tôi phải biết bưng bê, khách kêu bỏ hành chạy đi lấy hành, phải biết phục vụ khách cho vừa lòng, biết đưa tiền, thối tiền lại cho khách… Lời chẳng bao nhiêu nhưng công sức bỏ ra thì rất nhiều. Sau này, anh mới hiểu, ba khích anh làm việc để thấy rằng: xài tiền mà không do mình kiếm ra sẽ khác với đồng tiền mình tự làm ra. Để kiếm được 6 nghìn đồng, đã phải khó khăn và thử thách như vậy thì mình mới biết trân quý", Hồng Anh chia sẻ.

Sau đó, chàng trai này lại bị ba "khích" nên tiếp tục chuyển sang bán cây kiểng và sắt thép. Bươn chải với nhiều nghề, Hồng Anh đã tự tích lũy cho mình những kinh nghiệm về lĩnh vực kinh doanh. Sau nhiều lần khởi nghiệp bằng các nghề khác nhau, anh mới hiểu ba mong muốn tôi làm từ những công việc nhỏ nhất, để thấy rằng “xài tiền mà không do mình kiếm ra sẽ khác với đồng tiền mình tự làm ra. Kiếm được 6.000 đồng đã phải khó khăn và thử thách như vậy thì mình mới biết trân trọng, không nên phung phí. Chính những ngày tháng với công việc không ngại khó khăn đã giúp tôi tích lũy phần nào trải nghiệm và đức tính cần thiết cho công việc sau này”, thiếu gia họ Đặng chia sẻ.

22 tuổi, khi vừa tốt nghiệp cử nhân Quản trị kinh doanh tại đại học Hùng Vương TP.HCM, ông Đặng Hồng Anh bắt đầu làm việc tại Công ty Thành Thành Công của gia đình với cương vị Phó giám đốc (2002-2004). Trước khi là lãnh đạo TTC Land, ông Đặng Hồng Anh từng khởi nghiệp bằng bán bánh canh, cây kiểng, sắt thép. Bước ngoạt đầu tiên có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp của ông Đặng Hồng Anh được bắt đầu từ năm 2004. Hồng Anh chính thức chuyển sang kinh doanh bất động sản, đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) và sau đó là Chủ tịch HĐQT. Đây mới là thời điểm thực sự áp lực kinh khủng.

Tuổi đời còn quá trẻ nhưng phải gánh vác trọng trách quá lớn khiến "thiếu gia họ Đặng" không đủ can đảm. "Tôi đã suy nghĩ 3 ngày mới chịu nhận lời ba mẹ điều hành công ty", Đặng Hồng Anh kể lại. Chỉ sau ít năm điều hành, ông Đặng Hồng Anh đã biến Sacomreal nhỏ bé với số vốn ban đầu 11 tỷ đồng lên tới 1.000 tỷ đồng lúc niêm yết, tăng gần 91 lần. Thậm chí, ở thời điểm chào sàn chứng khoán, Sacomreal được đánh giá là “một thế lực lớn” trong làng bất động sản, SCR được coi là cổ phiếu “khủng”.

Năm 2010, cái tên Đặng Hồng Anh lọt vào top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán. Ở thời điểm đó, ông chia sẻ thành công của mình là nhờ kế thừa và phát huy được truyền thống văn hóa gia đình. Hình ảnh của cha là ông Đặng Văn Thành luôn đứng vị trí số một, là người bạn lớn, người thầy, người truyền cảm hứng đối với Đặng Hồng Anh. Ở tuổi 38, ông Đặng Hồng Anh đã có 20 năm kinh nghiệm thương trường. Thành công lớn nhưng cũng không ít lần ông phải nếm trái đắng. Năm 2012 là lúc gia đình họ Đặng lao đao với Sacombank và chao đảo vì Sacomreal. Khi đó, các đại án ngân hàng nổ ra, sau khi bầu Kiên và một loạt đại gia ngân hàng bị bắt, tin đồn hai cha con ông Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh phải vào tù cũng lan rộng. Mặc dù tin bị bắt là giả nhưng sóng gió đến với nhà họ Đặng là thật. Đến lúc này, rắc rối với Sacombank mới thực sự nổ ra. Cuối năm 2012, hai cha con ông Thành đã lần lượt rút khỏi HĐQT Sacombank trước khi bị xiết nợ bằng cổ phiếu với giá trị lên tới gần 1.600 tỷ đồng. Cái tên Đặng Văn Thành bị xóa khỏi danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Còn Đặng Hồng Anh rơi xuống vị trí 67.

Tình hình tại Sacomreal cũng không mấy khả qua khi thị trường bất động sản đóng băng. Những khoản lãi khủng được thay thế bằng các khoản lỗ. Cái tên Đặng Hồng Anh dường như không còn biết đến trên thị trường BĐS. Thế nhưng, chỉ sau một thời gian im lặng, hai cha con Đặng Văn Thành và Đặng Hồng Anh lại tái xuất thương trường với một sức mạnh mới.

Cuối năm 2017, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group) của gia đình ông Đặng Văn Thành đã nâng tỷ lệ sở hữu tại Sacomreal lên 36%. Ngày 29.3 vừa qua, Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) đã chính thức đổi tên thành TTC Land.

Năm 2018, TTC Land dự kiến sẽ tung ra thị trường gần 3.000 căn hộ, doanh thu mang về dự kiến khoảng 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 300 tỷ đồng.

7. Chàng trai 97 khởi nghiệp thành công với trà sữa goky

Sau một thời gian ra mắt và đã có những thành công ban đầu, Goky Tea luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới trẻ. Thương hiệu trà sữa Nhật Bản chính hiệu đầu tiên tại Hà Nội tiếp tục làm mưa làm gió thêm nhiều cơ sở mới khắp nội thành Hà Nội. Goky Tea cũng gắn liền với câu chuyện kinh doanh trà sữa thành công của anh chàng điển trai 97 – Dám nghĩ dám làm.

Trong những năm gần đây, trà sữa đã trở thành thức uống quen thuộc và lọt top những món ăn chơi “bất hủ” thống trị giới trẻ. Đúng như tên gọi, trà sữa mang hương vị ngọt ngào, vừa lạ mà vừa quen, tạo cảm giác thích thú từ cái nhấp môi đầu tiên. Người ta vẫn quen dùng trà sữa kết hợp với trân châu và cho hàng chục hương vị để các “thượng đế” có thể lựa chọn.

Luôn thấu hiểu tâm lý giới trẻ cũng như nắm bắt được xu hướng mong muốn thưởng thức những cốc trà sữa chất lượng trong không gian độc đáo, Trần Minh Quân đã có duyên gặp được những người anh cũng đang ấp ủ “mang tinh hoa trà đạo Nhật Bản” cũng như có sự giao thoa kết hợp cùng “văn hóa ẩm thực đường phố Việt Nam”. Cùng với sự trợ giúp của những người anh trai dày dặn kinh nghiệm, Trần Minh Quân đã cho ra đời thương hiệu trà sữa Nhật Bản lần đầu tiên có mặt tại Hà Nội – Goky Tea.

Sau một thời gian ra mắt và đã có những thành công ban đầu, Goky Tea luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ giới trẻ. Với mong muốn đem tinh hoa Nhật Bản trong từng giọt trà sữa và chất lượng phục vụ thấm nhuần “Tinh thần phụng sự”, sự đón nhận của những tín đồ yêu thích trà sữa và chiếc Cúp vàng thương hiệu chính là sự công nhận lớn nhất dành cho đứa con tinh thần mới của Minh Quân. Thành công nối tiếp thành công, tại thưởng tại Lễ công bố Sản phẩm tin cậy, Dịch vụ hoàn hảo, Nhãn hiệu tin cậy 2016 do Viện sở hữu trí tuệ Quốc tế tổ chức vào tháng 1/2017, thương hiệu trà sữa Goky đã vinh dự được nhận giải thưởng/giấy chứng nhận.

Khi mới 15 tuổi, Trần Minh Quân còn được vai trò là “ông chủ” của những mô hình kinh doanh nhỏ lẻ. Với số vốn ít ỏi và tự thân lập nghiệp, Minh Quân đã khẳng định bản thân qua những thành công ban đầu. Có thể kể đến những mô hình kinh doanh có dấu ấn đóng góp của nhỏ của Minh Quân như Quản lí Grace Models, GIME Solution, Trà sữa Goky và còn một vài thương hiệu nữa về quán café, thời trang.

Vào những ngày cuối năm 2015, Minh Quân đã từng được đông đảo cư dân mạng biết đến bởi khả năng kinh doanh và thu nhập khủng của mình khi mới chỉ 18 tuổi. Có vẻ như máu kinh doanh chảy trong huyết quản đã giúp Minh Quân vượt qua mọi khó khăn để một lòng bước đến với lĩnh vực đầy thách thức này. Hiện Tại Trần Minh Quân còn được nhiều người biết tới là Quản lí người mẫu, hotteen Hà Thành.

Minh Quân theo học khoa Quản trị Thương hiệu, trường Đại học Thương Mại và có thành tích khá tốt. Với thành tích Á Khoa đầu vào của khoa, Minh Quân không ngừng trau dồi kiến thức nền tảng trên giảng đường để từ đây mang vào ứng dụng vào từng công việc kinh doanh. Dù bận rộn với việc học, việc kinh doanh nhưng Minh Quân vẫn luôn điều hòa tốt mọi việc. Không chỉ nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, chàng trai còn được sự ủng hộ của đông đảo đội ngũ nhân viên qua những đóng góp trong công việc và làm nên thương hiệu trà sữa Goky.

Với những thành công ban đầu có được, chàng trai trẻ 97 còn muốn tiếp thêm năng lượng, truyền cảm hứng đến các bạn sinh viên và học sinh qua sự chia sẻ chân thành nhất: “Ở tuổi 18-25, chúng ta được phép sai lầm và mọi sai lầm đều là tài sản, đều là bài học quý báu cho các bạn. Nếu bạn dốc hết trái tim vào từng việc mình làm hoặc vào bất cứ doanh nghiệp nào thích đáng, bạn có thể đạt được những ước mơ mà người khác cho rằng không thể. Mọi thứ trên đời này lúc đó đều có thể trở thành nghệ thuật”.

Trên đây là top các câu chuyện khởi nghiệp hay và ý nghĩa nhất mà toplist muốn giới thiệu đến bạn. Hy vọng với các câu chuyện trên các bạn thêm hiểu được hành trình khởi nghiệp và có thêm động lực chiến thắng bản thân, dám nghĩ dám làm và thật thành công trên bước đường sắp tới nhé.

Nguồn: Toplist

Link: https://toplist.vn/top-list/cau-chuyen-khoi-nghiep-hay-va-y-nghia-nhat-44350.htm?fbclid=IwAR14x5llxEOybr-NFpxH2l0uCaLb9x4ufvDfqCpssyZQvSI9h902loAPgaE

TRỌN BỘ PHẦN MỀM TÍNH TIỀN DRS MANAGER CHUYÊN DÀNH CHO NHÀ HÀNG - CAFE - QUÁN ĂN,..

Tải và dùng thử miễn phí 15 ngày: https://quanso.vn/
Hotline: 
0905.088.242
Email: kinhdoanh@quanso.vn
Địa chỉ: 16 Nguyễn Hành, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng

THAM KHẢO THÊM:

Quán Số đại hội siêu bão sale cuối năm bùng nổ voucher đồng giá 12.12

Top 5 dòng máy in chuyên dành cho quán café, quán ăn, nhà hàng, quán nhậu, quán trà sữa, karaoke, bar,…

Hướng dẫn đăng ký bán hàng trên grab food và Go food dành cho quán ăn, café, nhà hàng,…

Ba phần mềm “Quản lý kho” hàng hóa hiệu quả nhất năm 2020.

Hướng dẫn đăng ký bán hàng trên grab food và Go food dành cho quán ăn, café, nhà hàng,…

Ba phần mềm “Quản lý kho” hàng hóa hiệu quả nhất năm 2020.


Bài viết khác
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT
CHÍNH SÁCH BẢO MẬT

Điều khoản sử dụng và chính sách bảo mật thông tin

4 cách lựa chọn quầy bar phù hợp với kinh doanh quán cà phê
4 cách lựa chọn quầy bar phù hợp với kinh doanh quán cà phê

Hình thức kinh doanh quán cafe, quầy bar là khu vực chính giúp thu hút sự chú ý của khách hàng nhất. Từ công đoạn phục vụ order, pha chế, thanh toán hầu hết đều diễn ra ở khu vực này. Nếu được thiết kế ấn tượng, tinh tế, sạch sẽ để lại trong tâm trí khách hàng một điểm cộng cho sự lựa chọn của những lần sau.

Gợi ý 3 chương trình khuyến mãi hiệu quả cho ngành F & B
Gợi ý 3 chương trình khuyến mãi hiệu quả cho ngành F & B

Khuyến mãi không phải là hình thức xa lạ trong marketing. Nó đóng vai trò như một yếu tố để thu hút khách hàng và là đòn bẩy hiệu quả để khách hàng ra quyết định mua nhanh hơn.

Mẹo Trang trí Trung thu cho quán cafe cực hút khách
Mẹo Trang trí Trung thu cho quán cafe cực hút khách

Vào mỗi mùa trăng tròn ý tưởng trang trí trung thu cho quán cafe là một trong những cách giúp thu hút khách hàng hấp dẫn, đặc biệt là giới trẻ.

05 mô hình cafe xu hướng cho năm 2022
05 mô hình cafe xu hướng cho năm 2022

Thị trường kinh doanh F & B ngày càng trở nên khốc liệt, để tồn tại và phát triển các chủ quán cần biết cách sáng tạo, đổi mới, tạo nên sự khác biệt để thu hút khách hàng.

Kinh doanh quán cà phê có đơn giản như bạn vẫn tưởng?
Kinh doanh quán cà phê có đơn giản như bạn vẫn tưởng?

Kinh doanh quán cà phê là một việc đơn giản? Chỉ cần có vốn, mặt bằng và đội thiết kế xịn sò là bán được hàng? Nhiều người mới lấn sân sang lĩnh vực F & B thường có những lầm tưởng như thế này cho đến khi thực tế khiến họ tỉnh mộng. 

Quán Số đồng hành cùng chuỗi nhà hàng bít tết ngon nhất Đà Nẵng - Papasteak Restaurant trong quản lý vận hành
Quán Số đồng hành cùng chuỗi nhà hàng bít tết ngon nhất Đà Nẵng - Papasteak Restaurant trong quản lý vận hành

Công ty TNHH giải pháp Quán Số rất hân hạnh được đồng hành cùng chuỗi nhà hàng Papasteak. Quán Số cám ơn sự tin tưởng và lựa chọn Phần mềm quản lý bán hàng DRS Manager của Quán Số để Nhà hàng Papasteak vừa quản lý và vận hành cũng như phục vụ khách hàng của mình tốt nhất.  

Lợi ích của việc cho nhân viên order bằng tablet
Lợi ích của việc cho nhân viên order bằng tablet

Hiện nay, rất nhiều nhà hàng, quán cafe, quán nhậu,... đã áp dụng công nghệ vào quản lý vận hàng bằng cách sử dụng phần mềm tính tiền. Phần mềm tính tiền DRS manager có kết nối order từ xa bằng app DRS staff ngay trên tablet hoặc điện thoại di động, giúp tối ưu quy trình phục vụ khách.

   Cách khảo sát về mức độ hài lòng của thực khách tại quán ăn
  Cách khảo sát về mức độ hài lòng của thực khách tại quán ăn

Làm cách nào để khảo sát về mức độ hài lòng của thực khách tại quán ăn một cách tế nhị và chuẩn nhất? Cùng Quán Số theo dõi bài viết dưới đây nhé!

Quy trình phục vụ với phương thức thanh toán tại bàn
Quy trình phục vụ với phương thức thanh toán tại bàn

Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực F & B ngoài không gian, thực đơn thì chất lượng dịch vụ cũng là mối bận tâm hàng đầu. Cùng Quán Số điểm qua 10 bước trong quy trình phục vụ và thanh toán tại bàn nhé!

QUANSO

Giải pháp quản lý thông minh
Hotline
Hợp tác
Kỹ thuật
Công ty TNHH Giải pháp Quán Số
16 Nguyễn Hành, Khuê Trung, Cẩm Lệ, Đà Nẵng
Điện thoại
Giờ làm việc
8h - 11h30 / 13h30-17h
(Từ T2 - sáng T7)